CEO YeaH1 Ngô Thị Vân Hạnh: Phụ nữ tham gia vào ngành giải trí là đàn bà "thép"

13:02 02/07/2024

Trò chuyện cùng CEO của YeaH1, nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế Anh trai vượt ngàn chông gai 2024.

Anh trai vượt ngàn chông gai đang là một trong những chương trình truyền hình thực tế nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả. Chương trình do Công ty Cổ phần Tập đoàn YeaH1 (YEG) sản xuất với format được mua bản quyền từ chương trình Call Me by Fire của đài truyền hình MangoTV. Anh trai vượt ngàn chông gai quy tụ 33 nghệ sĩ nam từ 30 tuổi trở lên, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và nhiều ngành nghề khác nhau.

Tập đầu tiên của Anh trai vượt ngàn chông gai đã lên sóng vào tối 29–6 và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hãy cùng Harper’s Bazaar gặp gỡ chị Ngô Thị Vân Hạnh – CEO của YEG, nhà sản xuất chương trình truyền hình toàn nam này. Chị cũng chính là người đứng sau thành công của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023.

HARPER’S BAZAAR: Chào chị Vân Hạnh, trước khi nói về Anh trai vượt ngàn chông gai, chị có thể tiết lộ một chút về bản thân được không? Được biết chị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và truyền thông. Chị từng làm việc tại nhiều công ty với những vị trí khác nhau trước khi trở thành Tổng Giám đốc YeaH1. Vậy cơ duyên nào đã đưa chị đến với lĩnh vực truyền thông, giải trí?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Câu hỏi này khiến tôi nhớ lại cơ hội mình bén duyên với lĩnh vực truyền thông và giải trí. Tôi là người có nhiều hoài bão và mơ ước được trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Vì vậy, tôi luôn tìm kiếm cơ hội để làm nhiều công việc khác nhau. Trải qua các vị trí như nhân viên trung tâm giao dịch chứng khoán ngày đầu mới thành lập, trợ lý tổng biên tập của một tạp chí tiếng Anh, nhân viên điều hành tour ở công ty du lịch của Nhật, nhân viên thuộc lứa đầu tiên của công ty bảo hiểm nhân thọ của Mỹ… nhưng không có giấc mơ nào của tôi liên quan đến ngành truyền thông. Có thể nói, ngành giải trí và truyền thông như một thế giới khác với người làm công sở như tôi.

Nhưng có lẽ chữ “duyên” đã đưa tôi đến với ngành giải trí khi quyết định thử sức ở vị trí nhân viên account cho một công ty sản xuất phim. Tôi gọi đó là định mệnh vì người bạn giới thiệu vị trí này khẳng định, công việc phù hợp với tôi và nhiệt tình tiến cử với công ty. Nghề đi tìm người, từ đó tôi bén duyên với ngành truyền thông. Bây giờ mọi người hay trêu tôi “là người của showbiz”.

HARPER’S BAZAAR: Khó khăn và thuận lợi của nữ giới khi điều hành một tập đoàn về quảng cáo, truyền thông?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Người trong ngành hay đùa, phụ nữ tham gia vào ngành giải trí là những người đàn bà “thép”. Khó khăn đầu tiên của nữ giới chính là việc phân bổ thời gian cho gia đình, chăm sóc sức khỏe và công việc. Đặc biệt, ngành này rất “bào”, có những ngày ê-kíp sản xuất phải ghi hình liên tục trong 24 giờ để đảm bảo tính thực tế của nội dung và giữ mạch cảm xúc của nghệ sĩ. Nhưng trong vất vả có niềm vui, ai cũng hết mình nên xung quanh tôi không có ai muốn đổi nghề cả.

Còn thuận lợi thì tôi nghĩ có lẽ do nữ giới có tính kiên trì, tỉ mẩn, uyển chuyển hơn nên dễ dàng hơn trong việc kết nối, sáng tạo. Nếu bạn để ý thì các vị trí chủ chốt trong các công ty giải trí đa phần là nữ giới nắm giữ.

HARPER’S BAZAAR: Tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc của YEG vào năm 2023 khi công ty đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên chỉ sau show Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023 doanh thu YEG đạt 168 tỷ đồng, chiếm 41% trên tổng doanh thu năm 2023. Chị có thể tiết lộ những kênh đem về con số này?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Ở Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, các nhãn hàng tài trợ thấy được cơ hội và định hướng quảng bá sản phẩm theo phương cách mới.

Với số lượng nghệ sĩ nổi tiếng tham gia đông nhất từ trước đến nay cùng sự chuyên nghiệp, tài năng của ê-kíp sản xuất, các đối tác tin chúng tôi sẽ sản xuất được một chương trình có ý nghĩa và đưa tiêu chuẩn của các show truyền hình lên tầm cao mới. Vì vậy, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng cũng lập kỷ lục trong ngành quảng cáo với 33 nhãn hàng tài trợ, một con số đáng kinh ngạc và tự hào, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

HARPER’S BAZAAR: Để đem các format như Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Anh trai vượt ngàn chông gai về Việt Nam, YeaH1 có gặp khó khăn gì không?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để chứng minh cho MangoTV (đơn vị nắm bản quyền của Sister Who Make Waves, Call Me by Fire…) tin rằng, chúng tôi có thể sản xuất thành công Chị đẹp đạp gió rẽ sóng tại Việt Nam. MangoTV giám sát rất chặt chẽ và đặt ra rất nhiều tiêu chí cho chúng tôi trong thời gian tiền kỳ.

Chỉ sau khi hoàn tất phần ghi hình cho Công diễn 1 và xem thành quả, lúc đó họ mới tin rằng chúng tôi đã làm được và tốt “ngoài sức tưởng tượng” của họ.

HARPER’S BAZAAR: Format nữ như Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đang chứng minh tiềm năng tốt, tại sao YeaH1 không tiếp tục khai thác thêm mảng nữ mà lại lấn sân ở truyền hình thực tế nam?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2024 nhưng bị thuyết phục hoàn toàn khi nghiên cứu và phân tích format gốc của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Đây là một premium show quy tụ đông đảo nghệ sĩ nam trên 30 tuổi, có thông điệp ý nghĩa và mang đến những cảm xúc đặc biệt cho khán giả.

HARPER’S BAZAAR: Điều chị tâm đắc nhất khi sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai là gì?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Tôi nghĩ rằng giá trị lớn nhất mà chúng tôi tạo được là xây dựng một sân chơi giúp nghệ sĩ có được những mối quan hệ tích cực, niềm vui và giá trị ý nghĩa trong cuộc sống. Nhiều nghệ sĩ phản hồi với chúng tôi, nếu không tham gia chương trình thì họ không bao giờ có cơ hội sống và làm việc trong tập thể 33 nghệ sĩ nam cùng hàng trăm con người trong ê-kíp cùng nhau nỗ lực mỗi ngày.

Chúng tôi xúc động khi một số chị vợ trong nhóm chia sẻ lại rằng các anh không mong cầu gì nhiều, chỉ muốn có một sân chơi thật vui, thật ý nghĩa và gắn kết. Các anh lớn luôn nỗ lực hết mình cho từng màn trình diễn nhưng họ cũng sẵn sàng lùi về sau để hỗ trợ các bạn trẻ tỏa sáng. Tôi tin đây là điều mà chỉ Anh trai vượt ngàn chông gai mới có được.

HARPER’S BAZAAR: Hiện tại bên cạnh Anh trai vượt ngàn chông gai thì còn có chương trình truyền hình thực tế âm nhạc khác đang được quan tâm là Anh trai say hi. Chị có tự tin khi đặt hai chương trình này lên bàn cân cùng nhau?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Tôi không sợ bị cạnh tranh vì tin rằng Anh trai vượt ngàn chông gai là một “thương hiệu” có giá trị, thông điệp và vị trí đặc biệt trong lòng khán giả. Tại sao lại là câu chuyện của 33 người đàn ông ngoài 30 tuổi chứ không phải trẻ hơn? Người ta nói, ngoài 30 là tuổi hoàng kim trong sự nghiệp của người đàn ông. Ở tuổi này, người đàn ông có đủ trải nghiệm, thăng trầm trong cuộc sống, có sự nghiệp, biết buông bỏ, đủ sâu sắc để khắc họa rõ chân dung, câu chuyện của chính họ.

Khi ở cùng nhau, 33 anh tài trở thành những “cậu bé” vô lo làm những chuyện “điên rồ” cùng nhau, thổi bùng ngọn lửa đam mê để phấn đấu trở thành phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình… Chúng tôi gọi đó là “Tinh thần thiếu niên”, được ví như ngọn lửa luôn sục sôi trong mỗi người đàn ông.

Hơn thế, chúng tôi có những điểm riêng biệt và đặc trưng của format mà ở đó người tham gia buộc phải mưu trí để có thể vượt qua những thử thách của luật chơi, mang về lợi thế cho “nhà” của họ. Điều đó có nghĩa rằng, format chương trình không chỉ tập trung vào khai thác chuyện vui đùa giữa các anh trai mà còn cả các câu chuyện đấu trí, chiến lược giúp bộc lộ tính cách của họ.

HARPER’S BAZAAR: Chị đánh giá như thế nào về thị trường truyền hình thực tế tại Việt Nam trong những năm tới? Liệu mảng chương trình về nam giới có tiềm năng không? Khi sản xuất một chương trình truyền hình thực tế, chị đặt ra những tiêu chí nào để giúp nó thành công?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Mỗi chương trình giải trí đều có phân khúc khán giả riêng, rất khó để phân định rạch ròi chương trình dành cho nam hay nữ có tiềm năng hơn. Tôi tin rằng điều kiện tiên quyết để xây dựng nên một chương trình thành công chính là việc định hướng nội dung và câu chuyện có thông điệp, giá trị nhân văn, tích cực cho cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố giải trí hấp dẫn cũng như sự đầu tư quy mô, chỉn chu. Khi truyền tải được những giá trị đó, khán giả sẽ yêu quý và ủng hộ.

Ở các chương trình truyền hình do YeaH1 đầu tư và sản xuất như Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Mẹ siêu nhân… chúng tôi đều hướng đến hệ giá trị đó.

HARPER’S BAZAAR: Bên cạnh đẩy mạnh mảng truyền hình thực tế, phim ngắn… Chị có thể tiết lộ về định hướng và kế hoạch chiến lược của YeaH1 trong thời gian tới?

NGÔ THỊ VÂN HẠNH: Song song với việc sản xuất các nội dung ngắn trên nền tảng Digital, chương trình truyền hình cao cấp (premium show) thì YeaH1 đã và đang là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất định dạng phim ngắn (short series).

Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch sản xuất phim truyền hình dài tập; Quản lý và khai thác thương mại hình ảnh nghệ sĩ; Tập trung phát triển mảng công nghệ AI phục vụ cho sản xuất, giải trí… với mục tiêu trở thành tập đoàn giải trí công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và là một Content Hub xuất khẩu nội dung ra nước ngoài.


Harper’s Bazaar Việt Nam


Thông báo

Tập đoàn YeaH1 đón cột mốc tuổi 18

Tập đoàn YeaH1 đón cột mốc tuổi 18 (12/09/2006 - 12/09/2024).

09:12 12/09/2024

Thông báo

Chiến lược ‘Bản địa hoá' của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, mỗi công diễn đều cài cắm các yếu tố văn hoá Việt Nam

Chương trình "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai" đang gây sốt trên mạng xã hội với những màn trình diễn đầy mãn nhãn và sáng tạo dù chương trình sắp sửa đi đến hồi kết. Không chỉ đơn thuần là một chương trình...

18:51 09/09/2024

Thông báo

Các anh tài thể hiện lòng yêu nước

Màu áo lính biên phòng xuất hiện trong công diễn 4 Anh trai vượt ngàn chông gai, là sự ghi ơn nhà Mứt Gừng gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Nhưng “canh giữ” kho tàng văn hóa...

19:19 08/09/2024